Những thành tích và bất cập - Bài viết của Giáo Sư Hoàng Châu Ký về Nhà hát
Vào những năm 1967, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt. Tỉnh ủy Quảng Nam ra quyết định thành lập một đoàn Tuồng. Lúc ấy có người nghĩ là quyết định ấy xuất phát từ tư tưởng hoài cổ hoặc tư tưởng lãng mạn, không thực tế. Nhưng chỉ sau mấy tháng, đoàn tuồng nhỏ và non trẻ này biểu diễn phục vụ các đơn vị bộ đội, cán bộ ở khu, ở tỉnh và đồng bào vùng ven được hoan nghênh một cách chân tình, đáp ứng được một phần yêu cầu thẩm mỹ của khán giả, góp phần vào công tác tư tưởng của Đảng, của Mặt trận giải phóng. Lý do là dù đơn vị này còn nhiều thiếu thốn, yếu kém nhưng đó là thứ nghệ thuật truyền thống lâu đời đã in dấu ấn vào huyết quản của nhân dân ta. Từ đó đơn vị tuồng này phát triển mãi, vượt qua bao gian khổ để từng bước trưởng thành cho đến hôm nay.
Vào năm 2000, giữa bao bộn bề công tác của một thành phố vừa trực thuộc Trung ương, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã quyết định cho xây dựng một rạp hát phù hợp với ngành tuồng và với cấu trúc mang tính hiện đại, giành riêng cho Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Như thế, các cấp lãnh đạo của Quảng Nam và Đà Nẵng trước sau đã thực sự quan tâm đến ngành nghệ thuật truyền thống ưu việt này.
Để đáp ứng lại sự lãnh đạo quý báu, những tấm lòng quý báu đó, mấy năm nay Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh đã cố gắng hoạt động, đạt được một số thành tích đáng kể, trước hết là về cơ bản đã giữ được những quy tắc biểu diễn truyền thống mang tính "hiện thực ước lệ", đó là phần tinh hoa của truyền thống, mở được mấy đợt khai thác vốn cổ để học tập và quay phim bảo tồn, tu chỉnh một số vở cũ, xây dựng được một số vở mới. Cố gắng biểu diễn tại rạp hoặc đi diễn ở một số địa phương, mở được lớp đào tạo diễn viên trẻ, ngoài ra còn liên hệ tốt, giúp đỡ các nghệ sĩ tuồng nghiệp dư, tham gia các Hội diễn tiết mục hoặc hội diễn tiếng hát, dàn nhạc... Nhưng chắc Nhà hát không dám ngủ yên trên cái gối thành tích ấy, bởi nó vẫn còn khiêm tốn đối với đường lối văn nghệ của Đảng, đối với vốn nghệ thuật đồ sộ và quý báu này, và trực tiếp nhất là đối với những tấm lòng của lãnh đạo thành phố.
Nói lên những thành tích để vui mừng, vẫn cần nêu lên những bất cập để suy ngẫm, rút kinh nghiệm tiến lên bước mới. Ta hay nói đến vấn đề kế thừa truyền thống, phát triển trên cơ sở kế thừa, nhưng hiểu được cái vốn truyền thống quý báu ấy không đơn giản, bởi cái vốn ấy được xây dựng qua bao thời gian, bao giai đoạn lịch sử, bởi bao loại người từ vua quan phong kiến, các loại tri thức khác nhau và đông đảo nghệ sĩ bình dân. Các vua Minh Mạng, Tự Đức đều có tham gia duyệt tuồng, có khi sửa chữa dăm ba câu, vài ba chữ trong các kịch bản tuồng do các quan trong Ban Hiệu thư sáng tác dâng lên. Nhiều nhà nho, văn nhân ngoài cung đình cũng có sáng tác kịch bản tuồng, cũng không ít những nhà nho khác đỗ đạt thấp hoặc không đỗ đạt lại yêu mến nghệ thuật này nên thường xuyên góp ý kiến với các nghệ sĩ... Trong sân khấu tuồng lại có nhiều từ chuyên môn như các thứ luyến láy gọi láy rúc, láy rãy, láy cần xay, láy viền, láy đắp bờ, hát sát bờ sát góc... Những chuyên từ ấy không ai ngoài các nghệ sĩ sáng tạo nên. Như thế biết bao loại tình cảm, tư tưởng khác nhau đã đọng lại trong nghệ thuật tuồng, đâu dễ nghiên cứu, phân biệt.
Chúng ta được tiền nhân trao lại ngành nghệ thuật đồ sộ và quý báu này, đó là một gánh nặng gồm bao nhiêu là vàng bạc nhưng cũng có cả đá sỏi, cố nhiên phần đá sỏi thì tự nó mất đi dần qua sàng lọc của lịch sử, truyền thống tốt đẹp là những cái gì được lắp đi lắp lại nhiều lần và vẫn được các thế hệ công nhận. Tuy nhiên xã hội ngày nay chuyển biến rất nhanh, do đó có những cái đã được chấp nhận lâu nay đến nay lại không còn phù hợp, ngược lại có những cái khác do chưa hiểu biết thấu đáo nên ta phủ nhận lại là cái tốt, hay.
Nhận thức là một quá trình và phải được xây dựng trên tinh thần khoa học. Bởi làm công tác ngành tuồng đã lâu, nhưng cách đây một năm tôi cho rằng các gánh tuồng ngày xưa đương diễn vở nào đó tự nhiên lại dừng lại và cho một anh hề ra diễn một đoạn hề chẳng dính gì đến nội dung vở diễn chính. Điều ấy là luộm thuộm không lô gích. Mãi đến nay tôi mới hiểu cái lô gích của tình hình ấy. Tuồng là nghệ thuật biểu hiện, người diễn viên kể lại truyện tuồng bằng nghệ thuật biểu diễn của mình, chứ đâu phải phương thức biểu diễn làm như truyện kịch đương diễn ra thực sự trước mặt khán giả theo kiểu kịch đờ - ram. Do đó, có thể sau một lớp bi kịch nặng nề, xúc cảm của khán giả phát triển mạnh thì cho anh hề ra làm việc thư giản cho khán giả. Tất nhiên, vẫn có trường hợp diễn viên chính tùy tiện nghỉ một lúc nên cho hề ra lấp chỗ trống!
Hình thức vừa nói trên là vàng hay sỏi? Tôi nghĩ rằng một đạo diễn nào đó hiểu tính lô - gích của nó và biết sử dụng đắt đạo thì nó là vàng, nếu không hiểu thấu đáo thì đó là sỏi.
Đã là diễn viên, nhạc công của một nhà hát chuyên ngành thì không thể không am hiểu lịch sử của bộ môn mình, không thể không am hiểu về những nguyên tắc, quy tắc cơ bản về nghệ thuật biểu diễn của ngành mình. Nhưng đối với hai yêu cầu thiết yếu trên, hình như hiện nay đội ngũ nghệ thuật của Nhà hà vẫn còn trong tình trạng bất cập. Đã là nhà hát chuyên ngành thì lại phải là cho mình một phong cách riêng. Ở đây là phong cách tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, xứng đáng với cái tên Nguyễn Hiển Dĩnh, ông quan duy nhất của Việt Nam tuyên bố thẳng thừng là "Tiến vi quan, thoái vi bầu gánh" và thực hiện lời tuyên bố đó trong thực tế. Muốn làm được việc này phải tiếp tục tổ chức việc học tập, nghiên cứu. Khi đã thực sự nắm được những vấn đề cốt yếu của nghệ thuật, thì sẽ thuận lợi trong việc xây dựng phong cách riêng không bị lai tạp, không bị tác động bởi những nghệ thuật khác một cách không phù hợp.
Nhà hát có mấy chức năng chủ yếu:
- Xây dựng tiết mục, biểu diễn phục vụ
- Học tập, nghiên cứu nghệ thuật ngày càng sâu, càng rộng
- Đào tạo diễn viên
- Xây dựng phong trào nghiệp dư
Xây dựng tiết mục và biểu diễn phục vụ là việc làm thường xuyên. Ngoài tiết mục chuẩn bị cho hội diễn hoặc cho một lễ lạc nào đó, những tiết mục khác như dựng lại vở cũ, dựng vở mới thì không phải tốn nhiều công phu và tiền bạc, coi như một mặt hàng mới và thông dụng của xí nghiệp. Xây dựng xong đưa ra biểu diễn. Nhà hát mà hạn chế "đỏ đèn" thì cái danh xưng Nhà hát sẽ bị lu mờ.
Nên chăng tổ chức một loạt câu lạc bộ gồm một số diễn viên nghiệp dư chọn lọc kết hợp với một số diễn viên của Nhà hát, dựng và diễn một số vở chọn lọc do chỉ đạo của Nhà hát, đưa ra biểu diễn. Làm việc này vừa có thêm "đèn đỏ" vừa nâng đỡ, tạo mối liên hệ gắn bó với tuồng nghiệp dư, vừa từng bước bổ sung trình độ cho tuồng nghiệp dư, vừa từng bước góp phần nâng cao thị hiếu của khán giả phổ biến hiện nay. Cũng là góp phần nâng lên khả năng ứng diễn nhanh nhạy cho diễn viên của Nhà hát.
Về nghiên cứu, học tập thì nghiên cứu, học tập những gì và như thế nào. Hình thức chủ yếu là cùng thảo luận những vấn đề mà các sách, kỷ yếu về Tuồng đã nêu lên hoặc về sân khấu nói chung. Hình thức khác là mời người có trình độ giảng giải về vấn đề nào đó cần thiết. Làm được việc này, trước hết, cần thành lập một bộ phận phụ trách công tác đó, bộ phận này sẽ vạch kế hoạch, dự án công tác của bộ phận trình giám đốc duyệt rồi bắt tay thực hành. Trong chương trình nghiên cứu, học tập này cũng cần khai thác thêm những miếng nghề ưu việt của truyền thống để học tập, luyện tay nghề. Hiện nay cũng còn khai thác được ở một vài ba nghệ nhân.
Hiện nay Nhà hát còn gặp nhiều khó khăn. Lượng khán giả đối với nghệ thuật này đương ít, nhất là khán giả trẻ, do đó doanh thu không bù được chi phí biểu diễn. Phương tiện vận tải lại không có, không thể đi biểu diễn ở các địa phương xa và tỉnh ngoài. Ngân sách cũng hạn hẹp. Nhưng chả lẽ ta bó tay trong tình hình đó, "Cái khó ló cái khôn", Nhà hát cần phát huy tối đa tính năng động của mình. Cần mở rộng công tác tuyên truyền nghệ thuật, tổ chức những buổi nói chuyện về tuồng có minh họa ở nhiều nơi nhằm mục đích tuyên truyền, giới thiệu nghệ thuật không đặt vấn đề thù lao, tổ chức những buổi biểu diễn cho học sinh, lấy giá vé thấp, diễn cho các đoàn thể nào đó ví như ngày 8/3 của phụ nữ, ngày kỷ niệm công đoàn, ngày người cao tuổi... Cán bộ của Nhà hát phải rất năng động trong mảng công tác maketing này. Đây là thời kỳ cạnh tranh quyết liệt, tránh xa tàng dư của tư tưởng bao cấp.
Trước những khó khăn nhiều mặt ấy, Nhà hát còn cần trình bày để cơ quan cấp trên là Sở giúp đỡ, mở mối, cần nửa thì báo cáo cả với UBND thành phố một cách cụ thể để nhờ tìm cách giải quyết. UBND thành phố là cơ quan đã quan tâm cho xây dựng cơ sở vật chất chủ yếu là rạp hát quy mô, hiện đại, chả lẽ không quan tâm đến cái nội dung thuộc nghệ thuật phi vật thể nằm bên trong công trình văn hóa vật thể ấy.
Hội bảo trợ tuồng của thành phố lâu nay vẫn được Nhà hát trọng thị, nhưng chưa lần nào được nghe trình bày những khó khăn của Nhà hát một cách cụ thể có thể đóng góp ý kiến.
Nhiệm vụ của Nhà hát lớn và nặng nề, tình cảnh hiện nay đương gặp nhiều khó khăn, do đó con đường tiến thủ là phải hết sức năng động đến mức tối đa trong kế hoạch công tác của mình.
Đường ta đi nhằm đích vùng sáng, vượt qua những gai gốc trên đường sẽ đến đích vinh quang.
Hoàng Châu Ký