Nghĩ về Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Lê Đình Siêu
Nhìn Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, ai cũng đều thừa nhận Nhà hát quy mô, tầm cỡ, mang dáng vóc hiện đại Trong giới lãnh đạo và công chúng yêu mến bộ môn nghệ thuật tuồng ai cũng đều biết đến tiền thân của Nhà hát là đoàn nghệ thuật tuồng Quảng Nam Đà Nẵng, nay là Nhà hát tuồng thành phố Đà Nẵng.
Qua hàng mấy chục năm lăn lộn diễn ở vùng đồng quê, thôn dã nay được diễn tại một Nhà hát có tầm cỡ, tự nó đã nói lên sự phát triển, trưởng thành của nghệ thuật tuồng và cũng từ đó, Nhà hát có điều kiện thuận lợi dàn dựng công phu nhiều vở mới, đào tạo nhiều nghệ nhân trẻ. Các nghệ nhân trẻ tiến bộ, tự tin trên sàn diễn cũng là sự kế thừa nối tiếp đáng được trân trọng.
Hơn 40 năm qua, thời gian quả không dài, nhưng những hoạt động đó đều nhằm mục đích gìn giữ, phát huy bản sắc đặc thù của một bộ môn nghệ thuật mà trước đây trong dân gian thường gọi là hát bộ, hay hát bội.
Những ý tôi vừa nói trên, cũng đã tỏ được nỗi vui mừng phấn khởi đối với đoàn tuồng, đối với Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh. Trong những nỗi vui mừng phấn khởi ấy, vẫn còn những luyến tiếc, trăn trở, những điều luyến tiếc, trăn trở này không biết đúng hay sai, xin mạnh dạn nói lên điều suy nghĩ của mình.
Ở đồng quê, thôn dã, đồng bào ta còn rất mến mộ nếu không nói là nghiện xem hát bội. Vì trước đây, hàng năm, đồng bào luôn được xem nhiều đêm hát bộ được tổ chức hết đình làng này đến đình làng khác. Những đêm thanh vắng, nghe tiếng trống chầu hát bộ ở đâu, là rủ nhau từng tốp, dù xa cũng kéo nhau đi xem đến tận khuya mới về. Miếu Bà chợ Tuý Loan, cứ đến ngày 15 tháng 1 âm lịch là có 2 đêm một ngày hát bộ. Đình Cẩm Toại đã thành lệ cứ 4 năm hát một lần (vào các năm Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu). Hễ có hát là có rạp, người xem đông chật, nhộn nhịp cả trong và ngoài sân khấu. Ông bầu Cửu Tư ở Tuý Loan tự lập một gánh hát rồi tiến lên xây dựng tại Phú Lâm (sau UBND xã Hòa Phong ngày nay) một nhà hát mô phỏng theo kiểu nhà hát Hòa Bình lúc ấy. Nhà hát tồn tại đến bốn năm năm sau. Cẩm Toại chọn những người có năng khiếu mời nghệ nhân Nguyễn Lai, rồi đến cụ Thông Quản ở Bàu Toa ra đây bày dạy. Nhưng nhóm hát bộ thành viên có mục đích là tổ chức hát bội để lấy tiền xây dựng trường. Trường An Phước ngày nay, tiền thân của nó là tiền do thanh niên tổ chức hát tuồng xây dựng. Một đoàn tuồng mà trong lịch sử Đảng bộ huyện Hòa Vang có ghi "Một thành tích của thanh niên tuồng An Phước là phát triển khá quy mô một tổ chức hát bội... và tổ chức nhiều đêm hát để lấy tiền xây dựng trường học".
Trình bày hai bức tranh vừa kể trên, một bên là nhà hát chính quy hiện đại, một bên là hát bội ở nông thôn, dân dã tuy ở vào thời điểm khác nhau nhưng nói lên một điều là chính quy phát triển, trưởng thành, phải gắn liền với sự phát triển rộng rãi nghệ thuật này đến nông thôn, dân dã, để vừa tuyên truyền nền nghệ thuật bản sắc của dân tộc, vừa phát hiện được những nghệ nhân kế tiếp. Cách làm như bộ đội ta xây dựng lực lượng chính quy vẫn không coi nhẹ việc xây dựng lực lượng dân quân du kích vậy.
Xin kể sau đây hai mẫu chuyện vui: Nhóm thanh niên An Phước đã quyết định chọn số anh em có năng khiếu để dựng 3 vở diễn (tên gọi lúc bấy giờ) "Trương Phi hồi cổ thành, Tuý sát Trịnh Ân, Quan Công phò Nhị Tẩu". Các anh cử anh Lâm Quang Pháp vào Bàu Toa rước cụ Quảng ra dạy. Anh Pháp vào nói với cụ thế nào, mà cụ Quảng tưởng lập gánh hát để làm kế sinh nhai nên cụ nhất định từ chối không đi và nói: "Hát bội hiện nay là nhiều người còn gọi là xướng ca vô loại nên cụ khuyên các anh từ bỏ ý định ấy đi". Anh Pháp về báo cáo lại, các anh em không nản, nghĩ ra cách xuống rạp hát Hòa Bình nhờ nghệ nhân Đội Tảo, con cụ Quảng, nói rõ mục đích cho cụ Quảng biết, lần này anh Pháp được cụ Quảng tiếp đón rất thân mật, anh Pháp mời cụ cùng đi, cụ bảo, cứ về trước cụ sẽ thu xếp tự đi ra. Cụ Quảng ra có cả nghệ nhân Nguyễn Lai, người có vợ tại Tuý Loan, nên hai nghệ nhân tài ba này đã dạy cho thanh niên 3 vở diễn theo đúng yêu cầu.
Như trên đã nói, thanh niên An Phước dự định tổ chức hát bội để lấy tiền làm trường học, nên 3 đêm diễn tại đình chợ Tuý Loan, làm sân khấu trong đình, các hàng ghế bố trí như dạng nhà hát từ thấp lên cao. Đêm diễn đầu tiên vé được bán trước qua các thanh niên các làng trong tổng nên người xem đến chật cả rạp, không chỉ thế, vốn ưa thích nghệ thuật nên đồng bào không có vé cũng cứ kéo đến xem. Giờ biểu diễn sắp bắt đầu mà trật tự trong và ngoài rạp không giải quyết được, ai cũng cố chen vào. Có người xem đứng lên hô to "Cứ mở toang cái phông chắn, để trống sân khấu mà diễn, chúng tôi sẽ đóng tiền, không cần bán vé". Thế là cả đám đông ủng hộ. Các đêm sau cũng làm như vậy, qua tiền ủng hộ, tự nguyện cũng gần đủ để xây dựng trường An Phước, nay là trường tiểu học An Phước.
Lê Đình Siêu - Hội Bảo trợ Nghệ thuật Tuồng TP. Đà Nẵng
