Anh Nghinh và anh em báo chí, văn nghệ - Nguyễn Đình An
Những năm chống Mỹ, Quảng Đà là một trong những chiến trường ác liệt nhất, chính vì vậy đông đảo anh chị em báo chí, văn nghệ đã vào công tác ở Khu V đều muốn đến Quảng Đà, trụ lại dài ngày hoặc chỉ là một chuyến đi ngắn, dù đến đây là chấp nhận nguy hiểm, có thể ngã xuống.
Anh Nghinh biết rất rõ điều này. Anh rất muốn nhiều anh chị em đến đây sống và viết về cuộc chiến đấu của nhân dân đất Quảng anh hùng. Anh luôn dặn chúng tôi phải lo cho anh em trên về ăn ở chu đáo và cố gắng để đảm bảo an toàn. Lo cho anh chị em ăn ở chu đáo, điều này tưởng khó mà hóa dễ. Trong chiến tranh, đã quyết ở nơi đầu sóng ngọn gió, mọi người đều chấp nhận mọi khó khăn thiếu thốn. Với anh em báo chí, văn nghệ điều quan trọng nhất là được thâm nhập cuộc chiến đấu và sống trong tình nghĩa anh em đồng chí. Nhiều anh lớn tuổi có chức vụ như anh Nguyễn Quang Huy (Giám đốc Xưởng phim); anh Hà Mậu Nhai (sau này là Giám đốc Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh); anh Khánh Cao (đạo diễn, cha của Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang) đã đến Quảng Đà vào lúc khó khăn cực khổ nhất, vậy mà các anh chỉ muốn sao có thể đến vùng ven Hội An, Đà Nẵng, ngoài ra không đòi hỏi gì. Hồi đó có nhiều ngày chúng tôi đói lắm. Từ vùng núi Đại Lộc anh em qua Tý Sé đổi quần áo được một ít bắp rồi ngào với đường, có thực phẩm chống đói đặc sản. Anh Hà Mậu Nhai ăn rất hào hứng, anh nói chẳng có loại kẹo nào ở Hà Nội ngon bằng.
An toàn cho các anh chị em là điều không thể không lo, nhưng nó mới phi phỏng, phi lý làm sao. Tôi nhớ tháng 4 năm 1971, khi Chu Cẩm Phong từ Khu xuống Quảng Đà với ý định viết về mũi nổi dậy trong đợt hoạt động cao điểm sắp tới. Tôi báo cáo anh Nghinh. Anh dặn tôi "từ nay đến ngày N cũng còn khá lâu, để cậu ấy ở đây không được". Lúc này cơ quan phía trước của Đặc khu uỷ và bọn tôi đang ở Gò Nổi. Gò Nổi đã bị cày trắng từ lâu, chỉ còn đây đó một vài khóm chuối, bụi tre, hàng keo. Chúng tôi ở đó, hết sức gọn nhẹ và sẵn sàng chịu trận như ở Thượng Phước. Tôi báo cáo anh "Tây Duy Xuyên đang sơ khoáng, anh Dương, Bí thư huyện vừa nói với tôi "như xã hội chủ nghĩa" có lẽ nên để Phong đi về hướng đó". Anh nhất trí với tôi, chỉ nhắc luôn giữ liên lạc để có việc là có thể gọi về ngay. Anh còn bảo tôi mời Phong đến ăn cơm nói chuyện, anh biết rõ gia đình Phong và đã gặp Phong mấy lần trước khi Phong từ Khu về công tác Quảng Đà. Trong bữa cơm dưới bụi chuối có thịt hộp Mỹ, canh bí đao nấu với cá hộp Đại Hàn, anh Nghinh trò chuyện rất tâm đắc với Phong, anh không giấu tình cảm quý mến của mình với chàng thanh niên phố Hội đẹp trai, tài năng và can đảm này.
Được tin Phong hy sinh, tôi vội đến báo cáo anh. Hình như anh đã biết rồi, lặng đi một lát, anh bảo "kiểm tra lại cẩn thận, liệu tin đó có chuẩn xác không?". Anh nói như nói với chính mình, "Mình tính một đàng, bây giờ việc lại xảy ra một ngả". Tôi biết anh không có ý trách tính toán của tôi, quy luật của chiến tranh là như vậy, biết làm sao?
Hy sinh mất mát trong chiến tranh là tất yếu, không trừ giới báo chí văn nghệ, nhất là những người luôn muốn có mặt ở tuyến đầu. Nhưng từ sau Mậu Thân, những tổn thất dồn dập của anh em báo chí, văn nghệ làm anh Nghinh luôn suy nghĩ day dứt.
Phương Thảo, một diễn viên múa đẹp như tiên giáng trần bị trúng một mảnh cối hy sinh ở Duy Châu. Chỉ sau đó ít tháng, trước xuân Mậu Thân không lâu nhạc sĩ Văn Cận (mới ở Nhạc viện Bắc Kinh về Hà Nội đã vào chiến trường ngay) và Tân Nhân ký giả kịch trường (một cơ sở hợp pháp vừa từ Sài Gòn ra) cùng 8 anh chị em ở Đoàn Văn Công ở Quảng Đà hy sinh vì bom quét ở Gò Nổi. Rồi Trọng Định ngã xuống ở Điện Phước. Xuân Quý và Triều Phương "nằm lại với đất lành Duy Xuyên" trong một trận càn của Nam Triều Tiên. Có lẽ không nơi đâu như đất Quảng Đà những ngày tháng ấy đã đón vào lòng mình những người chiến sĩ văn hóa nhiều như vậy, anh dũng quá mà cũng đau đớn quá.
Tôi nhớ một ngày mưa tầm tả ở điểm cao 530 (vùng núi Đại Lộc), anh Nghinh ngồi lặng lẽ trong lúc anh em ở cơ quan văn phòng đặc khu lo đám tang nhà điện ảnh Vũ Phạm Chuân chết vì sốt rét ác tính. Biết anh đang cảm thấy mình như có lỗi, tôi muốn nói với anh "Chính anh cũng mấy lần nguy kịch vì sốt rét, ở vùng núi Quảng Đà, ai chẳng phải gánh chịu căn bệnh lái ác này".
Một buổi chiều bên bờ Bắc sông Thu Bồn, cơ quan phía trước Ban Tuyên huấn bị bom, nhà báo Trần Văn Anh bị thương nát một bên đùi, trên đường cáng đưa anh tới trạm phẫu anh nói anh em cho anh ghé thăm anh Nghinh. Biết chắc anh sẽ không qua khỏi, anh Nghinh bảo anh Mười y sĩ tiêm một mũi thuốc hồi dương. Đưa cho anh Vân Anh một củ sâm, anh nắm chặt tay như không muốn rời.
Đêm 21/5/1972 cơ quan Tuyên huấn trúng một loạt bom B52. Anh Hoàng Kim Tùng và một số anh chị em khác hy sinh. Chưa bao giờ chúng tôi tổn thất khốn đốn và lúng túng như đêm ấy. Tôi và anh Hiền (nhà in) băng qua các đám cây cối đổ ngổn ngang, dây rừng chằng chịt, đến cơ quan Thường vụ. Trời vừa hửng sáng. Nghe chúng tôi báo cáo, anh giao anh em cảnh vệ và y sĩ ở văn phòng xuống ngay giúp đỡ chúng tôi. Tôi đọc trong mắt anh, trên gương mặt anh nỗi đau khôn cùng. Anh nói với tôi "Sắp tới công việc nhiều lắm, nặng nề lắm, anh gọi Hải Học về cùng nhau liệu tính" (lúc này Hải Học đang ở Điện Phước).
Những ngày ấy tôi luôn có cảm nghĩ là mỗi người chúng tôi hy sinh, anh đau đớn như mất những người con thân yêu. Anh thường dặn dò chỉ đạo chúng tôi làm sao để tránh tổn thất. Nhưng chính anh lại dấn thân vào những nơi nguy hiểm nhất, không phải hoàn toàn do một sự phân công, một mệnh lệnh nào mà anh luôn luôn tự thấy phải ở đó thì mới chỉ đạo được. Trước tết Mậu Thân, tôi có đề nghị anh tạo điều kiện cho tôi và một vài anh em vào Đà Nẵng, anh cười cười "Sẽ tới lúc cần đến các ông". Anh còn nói "Lúc này làm giấy tờ hợp pháp không khó, nhưng mấy ông không dễ nhập vai đâu. Phan Duy Nhân làm việc này tốt hơn mấy ông". Thế rồi chúng tôi được tin anh đã lọt vào Đà Nẵng an toàn. Cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân kết thúc tức tưởi. Chúng tôi lo lắng cho anh, rồi anh trở ra, nói đúng hơn anh đã trở về an toàn, chúng tôi vui mừng vô cùng.
Tôi nói chuyện tôi, Nguyên Ngọc, Bùi Minh Quốc, Thu Bồn... đã bàn với nhau vào Đà Nẵng ai làm gì ở đâu, quần áo giày dép đã sắm sửa đủ cả vậy mà chẳng những không vào được Đà Nẵng lại về bắt ốc ở sông Cổ Cò luộc ăn và ăn nhạt vì không có muối. Anh cười cười "Có thế mới vui, mới có chuyện mà nói". Sau này có lúc anh nói với tôi "Nếu lúc đó ta làm được cuộc nổi dậy lớn như 76 ngày năm 1966, nếu lúc đó lại thêm mấy quả đấm chủ lực thực sự thì tình hình sẽ khác. Nhưng cách mạng sao lại... nếu chân lý là cụ thể. Chúng ta phạm sai lầm về đánh giá so sách lực lượng". Anh còn nói "Sở dĩ mình nhất thiết phải vào Đà Nẵng vì mình muốn đi cùng tiểu đoàn 1. Cả Quảng Đà bao năm nay bao xương máu, công sức mới xây dựng được một đơn vị chủ lực địa phương" rồi mắt anh ứa lệ khi anh nhắc đến ông Lâm sói, tiểu đoàn trưởng.
Đúng là với anh Nghinh, không chỉ có sự hy sinh của anh em báo chí, văn nghệ mà anh luôn dành cho một biệt nhỡn mới làm trái tim anh chảy máu, mỗi chiến sĩ mỗi người dân hy sinh, mỗi đơn vị tổn thất là anh đều thấy như mất đi một phần cơ thể mình.
Một ngày tháng 10/1972, ở cơ quan Đặc khu uỷ, anh Nghinh và chúng tôi ngồi nghe Đài tiếng nói Việt Nam phát đi văn bản Hiệp định Paris (trước đó Thường vụ Khu uỷ 5 đã chuyển bằng điện mật cho anh). Lúc này Nich Xơn lật lọng, dù trước đó đã có công hàm cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói là Hiệp định sẽ được ký vào ngày 31/10. Trong lúc chúng tôi đang bồn chồn lo lắng không biết nó tráo trở kiểu này thì bao giờ mới có hòa bình, tự nhiên anh hỏi tôi "Ông An có biết musée Chàm không?". Tôi nói tôi biết rất ít về Đà Nẵng và càng biết ít hơn về Cổ Viện Chàm. Nghe anh hỏi tôi như thấy ngày ấy nhất định sẽ đến.
Anh bảo "Khi tiếp quản Đà Nẵng phải có kế hoạch bảo vệ musée Chàm dù từ lúc này đến ngày về Đà Nẵng trong chiến thắng tiếp quản Musée Chàm còn bao gian nan mất mát". Chúng tôi không hình dung được công việc của những ngày ấy, nhưng chúng tôi luôn tin với những người lãnh đạo có tầm nhìn xa có hiểu biết rộng và có tấm lòng vì sự nghiệp như anh Nghinh mọi công việc chắc sẽ tốt đẹp.
Vừa vào Đà Nẵng được ít ngày, giữa bề bộn bao công việc quân quản một thành phố mới được giải phóng, anh cho tìm nghệ sĩ Chánh Phẩm (Nguyễn Phẩm, còn gọi là Phó Phẩm, đã được tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân). Biết gia cảnh bác Phẩm lúc này khó khăn. Anh cho người đem gạo đến tặng. Anh còn yêu cầu Sở Văn hoá Thông tin đề xuất một chế độ trợ cấp thường xuyên cho nghệ sĩ và nhiều năm vào dịp Tết anh đều đến thăm, tặng quà chúc Tết lão nghệ sĩ. Chính nhờ sự quan tâm động viên đó, nghệ sĩ Chánh Phẩm đã giã từ sân khấu tuồng nhiều năm, trở lại hoạt động. Ông tận tụy dạy bảo truyền nghề cho lớp trẻ. Ông hào hứng diễn nhiều trích đoạn được xem là mẫu mực phục vụ các nhà nghiên cứu. Xem ông diễn "Vua đói", đạo diễn Nguyễn Đình Nghi thốt lên "Không bao giờ, không có ai diễn được như thế này". Nghe nói có lần ông diễn "Vua đói", một bà khán giả ứa nước mắt, chạy đi mua một tô mì đem ngay lên sân khấu cho ông.
Mỗi lần anh Nghinh trò chuyện với các nghệ sĩ lão thành Ngô Thị Liễu, Nguyễn Lai, tôi có cảm tưởng họ quen biết nhau từ lâu, đây không phải là cuộc gặp gỡ của một nhà lãnh đạo địa phương với giới nghệ sĩ mà là cuộc hội ngộ giữa một khán giả hâm mộ với những nghệ sĩ mà mình yêu thích.
Trong đợt phong tặng danh hiệu nghệ sĩ đầu tiên, Quảng Nam - Đà Nẵng có ba Nghệ sĩ nhân dân. Lúc này anh Nghinh đã chuyển ra Hà Nội công tác, về Đà Nẵng ăn Tết anh bảo tôi đi cùng anh, đến thắp hương cho các nghệ sĩ quá cố. Ngồi trên xe anh nói với tôi "Một tỉnh có ba Nghệ sĩ nhân dân ngành Tuồng là quý lắm".
Anh rất quý trọng nhà viết tuồng lão thành Tống Phước Phổ. Sau ngày miền Nam giải phóng, bác Phổ sống và làm việc với Nhà hát tuồng Đào Tấn ở Quy Nhơn, anh Nghinh dặn tôi "Nếu bác Phổ thấy ở trong ấy làm được việc, sống thoải mái thì cứ để bác ở trong ấy. Một năm rước bác về thăm chơi vài tháng. Đoàn Tuồng có việc gì thì nhờ bác giúp đỡ". Lần nào biết tôi đi công tác (hoặc có dịp ghé) Quy Nhơn anh đều nhắc tới thăm bác Phổ và đem quà của anh gửi tặng bác.
Mỗi khi bác Phổ về Đà Nẵng, bao giờ anh cũng mời bác đến dùng cơm nói chuyện. Bác Phổ là Đảng viên lớp đầu tiên của Đảng ta, anh và bác Phổ hình như có lúc cùng ở tù. Bác Phổ có người con trai duy nhất đã hy sinh khi là xã đội trưởng xã Điện Minh. Hai ông già nói đủ thứ chuyện, không bao giờ muốn dừng.
Quảng Nam Đà Nẵng là đất tuồng, vậy mà sau ngày giải phóng cho đến những năm 80 có một Đoàn cải lương rất được hâm mộ. Chẳng là một số đoàn cải lương gồm rất đông anh chị em Nam bộ đang hoạt động ở Đà Nẵng trước ngày 29/3/1975 được động viên giúp đỡ ở lại, xem đây là đất mẹ.
Anh Nghinh luôn hỏi chúng tôi về Đoàn cải lương Sông Hàn, về Út Hậu, Thiên Nga, Hồng Cúc, Cẩm Thu và dặn chúng tôi lo giúp đỡ họ được càng nhiều càng tốt. Hồi đó lãnh đạo văn nghệ có nơi có lúc còn xơ cứng, máy móc lắm.
Có vở diễn chỉ cần ông Bí thư hay Chủ tịch không ưng lắc đầu là coi như chết luôn. Một năm Đoàn dựng vở "Gió và bụi" của tác giả Hoàng Yến nói về xây dựng công trình Phú Ninh. Chúng tôi lo lắm. Có chuyện chi thì tiêu tùng bao công sức tiền của, đoàn lại là đoàn tập thể không được bao cấp, nếu vở bị đổ thì dễ sập tiệm. Hôm tổng duyệt chúng tôi mời anh và một số đồng chí lãnh đạo. Anh cười "Chuyện công trường đất đá mà dàn dựng được như thế này là giỏi. Tôi chỉ có nhận xét vậy xin miễn dự họp".
Một lần Đoàn Sông Hàn đang lưu diễn ở miền Bắc thì được lệnh về phục vụ hội nghị Trung ương Đảng, chắc là do đoàn diễn có tiếng vang nên Bộ Văn hóa giới thiệu. Anh Nghinh đến Hội trường Ba Đình rất sớm lúc anh chị em đang chuẩn bị thăm hỏi từng người, động viên anh em diễn thật tốt như mấy ngày nay diễn rất tốt được đồng bào miền Bắc khen ngợi. Anh còn gặp anh Cảnh - trưởng đoàn dặn dò rất chi tiết cụ thể về mấy câu chào mừng Trung ương của đoàn trước lúc diễn. Từ hội nghị về đến Đà Nẵng, anh vui vẻ nói với tôi “Sông Hàn diễn tốt lắm. Mấy cha Nam bộ chịu hết. Ông Phạm Hùng nói, tôi tưởng đâu xứ ông có tuồng, ai dè cải lương cũng ngon quá".
Anh biết và rất yêu mến anh chị em Đoàn ca múa từ hồi 1973 còn ở Thành Mỹ. Cho đến nhiều năm sau anh vẫn nhắc đến anh chị em. Có lần cô Sáo đệm đàn thập lục cho một chị ngâm thơ phục vụ một hội nghị. Anh hỏi tôi "Có phải cô này trước ở đoàn ca múa?". Tôi nói vâng và báo để anh biết cô ấy đã có chồng, anh Tạ Thiện, cây sáo của đoàn, và đã có một con, con trai (Tuấn Anh hiện đang công tác ở Đài truyền hình Đà Nẵng). Anh cười "Nó nhỏ như con chim chích vậy mà đã có con rồi sao". Chẳng là hồi đoàn mới vào chiến trường, thấy cô bé biểu diễn thập lục nhỏ chút chút anh rất thương. Anh dặn chúng tôi "Mấy em mấy cháu văn công hăng hái xung phong ra chiến trường nhưng đều quá trẻ, lại chân yếu tay mềm, vào đây gian nan cực khổ lắm các ông phải chăm lo cuộc sống cho anh chị em" (lúc này anh Nghinh đã về công tác ở Khu uỷ 5). Anh còn hỏi tôi về Danh Thắng, một thanh niên Hà Nội cận thị chơi Violon rất hay. Anh biết rõ cô Tám, một diễn viên là con ông Tường, một cán bộ lão thành giàu kinh nghiệm hoạt động vùng dân tộc, Tám đã lên núi khi còn rất nhỏ.
Một hôm được tin nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đang ở tại nhà khách Tỉnh uỷ, tôi vội đến thăm. Trên đường đi Tây Nguyên, qua Đà Nẵng, nghe nói Quảng Nam Đà Nẵng là vùng đất có nhiều chuyện hay, ông muốn ghé thăm, tìm hiểu. Ông đến thẳng nhà khách không qua sự giới thiệu của Văn phòng. Ban Tuyên huấn... Nhà khách niềm nở đón ông, nhưng ông vẫn đang lo mình là khách không mời (thời ấy nếu không thuộc diện được nhà khách bao cấp thì nguy lắm).
Tôi chưa kịp báo với Văn phòng, thì Văn phòng đã điện thoại mời tôi sang gặp anh Nghinh. Anh trách sao ông Khoát đến đây mà không báo cho anh và Thường vụ biết. Tôi thanh minh, tôi cũng mới biết tin này vội đến gặp anh Khoát, vừa về. Tôi báo cáo những gì đã trao đổi và thống nhất với anh Khoát. Anh Nghinh đồng ý với những đề xuất của tôi.
Anh dặn "Này ông An. Ông Khoát là Chủ tịch Hội nhạc sĩ, là một nhà nghiên cứu âm nhạc. Các ông chớ có đặt hàng cho ông ấy, yêu cầu ông ấy sáng tác bài hát cho tỉnh. Tuỳ ông ấy, có cảm hứng thì ông ấy sáng tác. Điều quan trọng là tạo điều kiện để ông ấy làm tốt việc nghiên cứu. Công việc nghiên cứu của ông ấy đóng góp cho cả nước, mình phải lo phục vụ chu đáo". Nói rồi anh quay sang anh Võ Văn Đồng, Phó bí thư Tỉnh uỷ lúc này đang ngồi gần anh: "Bây giờ tôi phải đi công tác không tiếp ông Khoát được. Anh Đồng ở nhà thay tôi tiếp ông Khoát. Văn phòng tổ chức một bữa cơm thân mật. Anh Đồng chủ trì việc này".
Năm 1980, theo kế hoạch của Bộ Văn hóa, nghệ sĩ Piano Tôn Nữ Nguyệt Minh (vừa đoạt một giải thưởng quốc tế) về thăm và biểu diễn ở Đà Nẵng. Chúng tôi rất lo liệu công chúng Đà Nẵng có nồng nhiệt chào đón loại hình nghệ thuật hàn lâm sang trọng này không? Điều kiện biểu diễn cũng rất hạn chế, Đà Nẵng không có một phòng hòa nhạc chuẩn và cũng không có một cây đàn Piano chuẩn (bây giờ hình như cũng vậy).
Anh Nghinh cho gọi tôi đến báo cáo việc chuẩn bị biểu diễn. Tôi trình bày Sở Văn hóa Thông tin với cố gắng cao nhất sẽ tổ chức ở Hội trường Trung tâm Văn hóa 88 Hùng Vương và tìm cùng không có một cây Aqueue, chúng tôi mượn được một cây droit được xem là tốt nhất Đà Nẵng.
Anh Nghinh bảo: "Không có cái đàn tốt hơn thì đành chịu", còn địa điểm thì theo anh nên là Hội trường Công an. Lúc này ở Đà Nẵng Hội trường Công an là Hội trường tốt nhất, những sinh hoạt chính trị văn hóa quan trọng thường diễn ra ở đây. Anh giao cho Văn phòng Tỉnh uỷ liên hệ Công an để mượn Hội trường. Anh dặn tôi giấy mời phải nói sao để người nhận hiểu tầm cỡ của nghệ sĩ biểu diễn, như vậy họ mới đến với thái độ trân trọng. Buổi chiều, trước đêm biểu diễn anh đích thân đến kiểm tra Hội trường.
Đêm diễn đạt kết quả ngoài dự kiến, sự giới thiệu tạo một không khí trang trọng, tất cả im lặng chờ đợi. Rồi những ngón tay lướt trên các phím đàn làm dậy lên những âm thanh kỳ diệu. Anh Nghinh lộ rõ mừng vui trước thành công của Nguyệt Minh và Nguyệt Minh nhận những bó hoa chúc mừng mắt long lanh cảm động.
Chiều hôm sau Sở Văn hóa Thông tin chiêu đãi mừng Nguyệt Minh. Anh Nghinh cử anh Hoàng Trà lúc đó là trợ lý của anh đến hỏi chúng tôi về buổi tiệc. Tôi nói sẽ chiêu đãi ở khách sạn sông Hàn, chúng tôi mời anh Thành - Thường vụ Trưởng ban Tuyên huấn và chị Lãnh - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân dự cùng với anh em ở Sở. Anh Trà nói "Ông già hỏi các ông định dùng rượu gì trong tiệc?" Tôi trả lời "Thì khách sạn có rượu gì dùng rượu ấy". Hồi ấy khách ưng rượu nặng thì có Lúa Mới, muốn rượu nhẹ thì có Thanh Mai, tất cả đều là rượu Hà Nội. Anh Trà lộ bí mật ông già sẽ cho mang sâm banh tới, ông sẽ đến dự và là chủ tiệc. Tổng lãnh sự Liên Xô vừa biếu ông một thùng sâm banh. Ông bảo, cùng đi với Nguyệt Minh còn có ông thân sinh, bác sĩ Tôn Thất Hoạt, một trí thức nổi tiếng, một chuyên gia hàng đầu về nhãn khoa và anh ruột Nguyệt Minh - nhạc sĩ Tôn Thất Triêm, phải làm thật đàng hoàng. Trước giờ chiêu đãi, anh Nghinh đến sớm, thấy có mỗi một chai sâm banh (mấy anh Văn phòng quá tiết kiệm!). Anh nói thế này thì sao đủ và bảo tôi cứ mượn tạm thêm của khách sạn. Bữa tiệc diễn ra đầm ấm thân tình, Nguyệt Minh cho biết từ khi về nước cô đã đi biểu diễn nhiều nơi, nhưng chưa ở đâu cô thấy cảm động và thân thiết như ở Đà Nẵng.
Một chuyện rắc rối đã xảy ra sau đó. Sâm banh của Tỉnh uỷ mang đến là sâm banh Nga, sâm banh mượn của khách sạn là sâm banh Pháp. Khách sạn nhất định không chịu nhận, đòi phải thanh toán bằng ngoại tệ. (Phải chi như bây giờ chỉ cần 10 phút ra chợ Hàn là vô tư) lằng nhằng mãi sau phải nhờ anh Nghệ - Giám đốc Sở Thương nghiệp can thiệp chuyện sâm banh mới dứt điểm.
Một lần đi họp Trung ương về, anh kể với tôi chuyện các đồng chí dự hội nghị Trung ương được mời để nghe Đặng Thái Sơn biểu diễn. Đồng chí nào cũng muốn ngồi chỗ có thể nhìn rõ những ngón tay Đặng Thái Sơn lướt trên các phím đàn. Anh bảo "Thú thật mình không hiểu gì nhiều chỉ thấy những ngón tay như múa, như làm ảo thuật". Anh nói một chi tiết ngồ ngộ, giữa lúc những âm thanh kỳ diệu vang lên, anh lấy mấy ngón tay gãi gãi tai một đồng chí cán bộ lãnh đạo ngồi ở hàng trước. Đồng chí nhìn lại cười thông cảm.
Anh tự nhận như vậy, nhưng với chúng tôi, những người làm báo chí, văn nghệ ở mảnh đất này có dịp sống, chiến đấu và làm việc với anh mấy chục năm trong chiến tranh và trong hòa bình đều thấy anh là Chung Kỳ, một Chung Kỳ tuyệt vời của biết bao Bá Nha, những Bá Nha có thể còn non dại thô vụng. Chính nhờ có người tri âm ấy mà tiếng đàn của chúng tôi mới vang ngân lên.
(Trích trong NGÀY ẤY)
Nguyễn Đình An - Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh QN-ĐN
