NSND NGUYỄN PHẨM
NSND NGUYỄN PHẨM
(1900-1990)
NGHỆ SĨ BẬC THẦY CỦA SÂN KHẤU TUỒNG
Nghệ sĩ Nguyễn Phẩm, quê ở tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng năm nay đã 87 tuổi, cùng lứa bạn bè trong nghề hát Tuồng với các nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Văn Phước Khôi... và cũng là học trò xuất sắc của nhà hoạt động Tuồng lỗi lạc Nguyễn Hiển Dĩnh.
Vào những năm đầu thế kỷ XX, khoảng sau đại chiến thứ nhất (1914 – 1918), nghệ sĩ Nguyễn Phẩm được bà con yêu hát Bội ở các tỉnh miền Trung mến mộ. Nhân dân tỉnh Quảng Na – Đà Nẵng xếp bác vào hàng “ngũ mỹ”. Trong đời làm nghề hát Tuồng, bác Phẩm đã đóng hàng trăm vai, vai nào cũng được khán giả yêu thích. Các vai diễn nổi tiếng: Vua Đói (Lý Phụng Đình); Quan Công (Tam Quốc); Vua Trụ (Trầm Hương Các); Lý Khắc Minh (Tam nữ Đồ Vương); Thiện Công (Lý Phụng Đình)…Công tra án Quách Hòe); Phương Cơ (Tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn)…Năm 1976, viện sân khấu đã quay phim một số lớp Tuồng rất nổi tiếng của bác như vai Bao Công trong vở “Tra án Quách Hòe”. Quan Công trong vở “Giang đông phó hội” và lớp Vua đói trong vở “Lý Phụng Đình”. Chỉ qua vai Vua đói, chúng ta có thể thấy tài nghệ của một diễn viên bậc thầy rất hiếm trên sân khấu, có thể kể cả sân khấu thế giới.
Nội dung lớp này có thể tóm lược như sau: Tên gian thần Thái lăng cướp ngôi. Các trung thần nghĩa sĩ bị đánh đuổi phải chạy vào rừng hoang, liên tiếp mấy ngày không cơm, không cháo đến nỗi phải bức cả lá rừng mà ăn. Loan Dung, con gái An Công, một trung thần của Hàn Vương, theo dấu vết của nhà vua tìm đến cứu. Hàn Vương đã nằm ngất liệm vì đói lả trong rừng. Loan Dung bằng cắt đầu ngón tay lấy máu cho Hàn Vương uống. Khi tỉnh dậy, biết Loan Dung đã cứu mình, Hàn Vương tỏ lòng biết ơn và nhận cô làm con. Loan Dung đưa Hàn Vương về nơi căn cứ của các nghĩa sĩ để mưu sự nghiệp trừ gian diệt nịnh, cứu nước cứu vua. Diễn lớp này, bác Phẩm bước ra sân khấu, đi chệnh choạng chầm chận trên cây gậy trúc, không mặc bào giáp, xiêm y, đi hia, đội mũ mà chỉ đi chân trần, mình mặc chiếc áo màu lam, đầu quấn chiếc khăn như một cụ già thường gặp trong thôn xóm. Khi Hàn Vương từ cửa sinh bước ra thì đồng thời ta cũng thấy người chạy hiệu cầm cành cây ra ngồi xổm giữa sân khấu. Còn Hàn Vương hai tay chìa ra phía trước chới với về phía cành lá, hai chân vội vội dò bước một, mừng cuống cuồng đến quýnh cả chân như người sắp chết đuối níu được cái chạc hộ mệnh giữa dòng nước xoáy, toàn thân run rẩy theo khiến cho người xem không biết cảnh vật của thiên nhiên rin rẩy, rụng rời hay thế giới bên trong của người đói ra rời rơi rụng bỗng mừng rỡ đến phát run lên… Khi Hàn Vương nằm ngất liệm dưới cành lá thì người chạy hiệu lồm cồm bước dậy vác cành lá thản nhiên đi vào hậu trường, khán giả dường như bị cuốn hút vào người đói nên chẳng một ai để ý đến anh ta. Giữa lúc đó, Loan Dung xuất hiện, chợt thấy có người nằm bất động giữa rừng, vô vội vàng quan sát và khi đã hiểu rõ sự tình , cô liền rút kiếm cắt mấy đầu ngón tay cho máu ra, thấm vào miệng người đói. Lát sau tỉnh dậy, hàn Vương ngỡ ngàng đưa mắt nhìn quanh, đôi môi mấp máy, dường như thấm mùi tanh tanh mặn mặn trên đầu lưỡi, giương to mắt nhìn Loan Dung chằm chằm cho đến khi hiểu rõ những gì đã xảy ra cho mình mới mệt nhọc hỏi cô gái rồi cất lên câu hát Nam…”Giọt máu đào thấm tới thịt xương”.
Bác Chánh Phẩm không chỉ là đỉnh cao của nghệ thuật ở loại vai chính diện mà còn là bậc thầy ở cả vai đối lập. Tôi muốn nói đến nghệ thuật đóng vai hài của người nghệ sĩ này. Những người ở lứa tuổi 50 trở lên ở ở các tỉnh miền Trung, cho đến nay còn trầm trồ về các vai Trương Đồ Nhục trong vở Tuồng cùng tên hoặc vai thầy Nghêu trong vở “Nghêu – Sò - Ốc – Hến”. Ngay chính nghệ sĩ Văn Phước Khôi, một nghệ sĩ nổi tiếng về các vai hài cũng cho biết là đã học hỏi được kinh nghiệm đóng loại vai này của bác Phẩm ở những nét đặc sắc. Cái tài đem lại tiếng cười cho bà con xem Tuồng của bác ít có ai sánh kịp. Để các bạn có thể hình dung được tài năng của một bậc thầy ở mặt này, tôi xin phéo kể một vài mẫu hề do bác sáng tạo.
Thường thường trong các vở tuồng cổ của ta, diễn viên thường tìm cách xen vào các mẫu chuyện cười làm vui cho người xem đỡ căng thẳng đầu óc. Trong vở “Ngự Văn Quân” chẳng hạn, cảnh Ngự Văn Quân giả ốm để lấy cớ từ chối nhiệm vụ đem hoàng hậu xử tử do tên thái sư mới cướp ngôi buộc ông phải thực hiện. Dựa vào tình huống đó, hễ có dịp là chế giễu các ông lang băm để mua vui. Thầy thuốc hỏi bệnh nhân:
- Quan lớn mắc bệnh gì?
- Quan lớn giả ốm nên cũng chẳng biết trả lời thế nào cho xuôi. Thầy thuốc hỏi tiếp: Quan lớn đi ngoài thế nào?
- Thấy quan lớn lúng túng, người lính hầu liễn đỡ lời: Mấy hôm qua quan lớn tôi ở trong nhà, chứ không có đi ra ngoài mưa ngoài nắng đâu.
- Nghĩa là quan lớn có ỉa ra máu, ra đờm giải gì không?
- Người hầu liền nói bừa: Quan lớn tôi ỉa ra đất ạ.
- Thầy thuốc làm ra bộ nghiêm trọng: Thế này thì nguy lắm. bệnh này thuộc loại nan y tứ chứng rồi.
- Thưa thầy phải chạy chữa cách nào?
- Thầy thuốc: Nhưng mà thầy thuốc giỏi như tôi thì chữa bệnh này lành ngay mà chẳng tốn kém bao nhiêu.
- Sau khi nhận tiền bỏ túi rồi thầy thuốc liền bảo: Từ nay mỗi khi đi ngoài, quan lớn lấy cái mo cau đặt dưới hậu môn, nhớ chưa?
- Rồi sao nữa?
- Thế là quan lớn ỉa ra mo chớ không ỉa ra đất nữa. Hiểu chưa?
Và đây nữa là đoạn hề chế giễu những chàng công tử bột, con nhà quan, học hành dốt nát mà lêu lổng ăn chơi. Thầy học bảo chàng ta đọc bài đã giảng hôm qua, hắn liền tụng như sĩa tụng kinh: Ii…aa, i… a địa là bãi cứt gà… i… a…
- Thầy nghe học trò đọc như vậy liền phát hoảng quát: Trò kia, khoan! Im cho thầy hỏi. Địa là nghĩa làm sao? Trò nói thầy nghe thử!
- Dạ thưa thầy… địa là bãi cứt gà ạ.
- Chết bỏ nội tôi rồi. Ai bày cho học bậy bạ làm vậy.
- Trò nhỏ nhẹ, ấp úng, khúm núm thưa: Dạ, hôm qua thầy dặn con về cứ thế mà học. Sáng ngủ dậy có quên thì cứ nhìn xuống nền nhà là nhớ ra ngay, chả có khó chi mô.
- Phải, phải. Nhưng… làm sao?
- Dạ thưa thầy, sáng nay con ngủ dậy ôn bài, dạ… quên cả chữ cả nghĩa, con nghe lời thầy dặn, con nhìn xuống nền nhà, con nhìn thấy một bãi cứt gà to sù sụ. Con cứ vậy mà học, nên mới hóa ra địa là bãi cứt gà ạ…
- Thầy nghe trò nói, chỉ còn biết trố mắt, há miệng: Chết bỏ nội tôi rồi!
Tiếng cười ở đây không chỉ làm cho ta bật cười ngay ở rạp hát mà còn khiến ch người xem về nhà sực nhớ lại ngẫm nghĩ một mình thì lại càng cười thích thú. Những tiếng cười như vậy không dễ gì có được.
Năm 1998, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
TÁC GIẢ: LÊ NGỌC CẦU